Kể từ khi Erik ten Hag được bổ nhiệm, không có đội bóng nào trong Top 6 thua nhiều trận (6 trận) sau phút thứ 90 như Manchester United. Trước mùa giải 2022-23, United chỉ thua 2 trận Premier League muộn như vậy. CHỈ HAI LẦN mà thôi.
1. Hiện tại, mọi thứ giống như thế giới đảo ngược của kỷ nguyên “Fergie Time”. Giai thoại này nổi tiếng và gây ám ảnh đến nỗi HLV Steve McClaren từng nói, United không bao giờ thua các trận đấu, họ chỉ hết thời gian thôi.
Trong hai mùa giải qua, Man United của Ten Hag lại tỏ ra vô cùng ám ảnh với những phút cuối trận, và cảm giác này đã trở lại ở trận vừa qua, khi Simon Adingra di chuyển lừa được cả Diogo Dalot và Noussair Mazraoui, để chuyền bóng cho Joao Pedro không người kèm.
Nếu không phải Joao Pedro là người ghi bàn quyết định, Julio Enciso, cũng hoàn toàn rảnh rang, cũng có thể kết thúc tình huống. Georginio Rutter cũng rất thoải mái ở cột xa nhưng với hai đồng đội đã hoàn toàn thoát khỏi sự theo kèm của Matthijs de Ligt và Scott McTominay, anh không cảm thấy cần phải “nhập thành” nữa làm gì.
Và thế là một thất bại 1-2 sau phút 90 nữa được thêm vào danh sách, theo sau những thất bại ở Emirates, Stamford Bridge và trận thua Fulham ở Old Trafford mùa trước, cũng như ở Emirates và Amex trong nhiệm kỳ đầu của Ten Hag.
Sau đó, nếu không phải vì một trong những bàn thắng bị từ chối kỳ lạ và không may mắn, khi cú sút của Alejandro Garnacho chạm vào Joshua Zirkzee đang ở vị trí việt vị trước khi vượt qua vạch vôi, United có thể đã thoát khỏi trận đấu với ít nhất một điểm trước một đối thủ vô cùng xương xẩu với họ: Đây là chiến thắng thứ 7 của Brighton trong 15 trận đấu tại Ngoại hạng Anh trước Man United.
2. Bạn có thể bào chữa rằng đội hình này chẳng qua chưa quen lắm với nhau: Ở bàn thua quyết định, trong số 9 cầu thủ United có mặt trong khu vực phạt đền khi Adingra chuyền bóng, có 3 cầu thủ mới gia nhập, hai người chỉ kết hợp với đội trong tuần trước và bốn người không ra sân từ đầu.
Các bài tập này được điều phối bởi một huấn luyện viên chuyên về tình huống cố định, Andreas Georgson, người có tiếng tăm tốt nhưng chỉ mới gia nhập CLB chưa đầy một tháng.
Tất nhiên là họ chưa thể hoà nhập ngay, nhưng những gì vừa xảy ra không phải chỉ là ngày một ngày hai. Và có điều gì đó quan trọng hơn cả chuyện thất bại đã và đang tiếp tục diễn ra.
Sir Alex Ferguson đã một lần tiết lộ về câu chuyện “Fergie Time” của mình trên sóng truyền hình: Cứ khi gần hết trận, ông lại ra sát đường piste và chỉ tay vào đồng hồ, cũng như tiện thể gây sức ép lên trọng tài. “Dĩ nhiên, đối thủ của Man United sau này lại thành ra luôn sợ mỗi khi tôi chỉ tay vào đồng hồ. Đó là lý do mà tôi thường ra sân với chiếc đồng hồ trên tay”.
Sir Alex cũng tuyên bố mình đeo đồng hồ không phải để xem giờ, và “tôi cũng chẳng biết được bù giờ bao nhiêu phút nữa cơ”. Nhưng cái mẹo rất nhỏ này đã thành một câu chuyện huyền thoại. Mỗi nỗi sợ đến ám ảnh của các đối thủ khi chơi với Man United.
Đấy chỉ là một câu chuyện rất nhỏ, đã được thổi phồng lên thành một màn tâm lý chiến vĩ đại trong sự nghiệp lẫy lừng của Sir Alex với Man United. Đeo đồng hồ không phải để xem giờ, mà là để… phục vụ chiến thắng. Một thứ tư duy kỳ dị đến nỗi bạn hiểu vì sao Man United dưới sự lãnh đạo của ông lại trở nên khó đánh bại đến như thế, đặc biệt là vào những phút cuối cùng.
3. Công bằng mà nói, Man United của Ten Hag đã chơi không tệ trong trận gặp Brighton. Họ đã gây được sức ép lên đối thủ, với cường độ thi đấu cao và khả năng di chuyển không bóng tốt. Bàn gỡ hòa của Amad giải thích tại sao Ten Hag sử dụng cầu thủ 22 tuổi này trong 5 trận liên tiếp.
Nhưng đá hay đến thế nào đi nữa thì có một thứ đã mất đi trong mã gien của họ: Văn hoá chiến thắng. Một thứ vô cùng trừu tượng, và không thể giải thích, cũng không nên giải thích. Một đội bóng chiến thắng vào sân là để… chiến thắng, để gieo rắc nỗi sợ cho đối thủ, và gây ra những nỗi ám ảnh kể cả khi họ không chủ định làm điều đó mọi lúc.
Đôi khi chuyện nhỏ về nỗi sợ phút bù giờ chỉ đến từ một chi tiết rất vu vơ: Sir Alex không đeo đồng hồ để… xem giờ. Đấy chỉ là một đạo cụ, cho một vở diễn mà ông và MU sẽ không bao giờ chấp nhận vào vai kẻ thua cuộc, cho đến những phút cuối cùng.