Site icon I9BET

Ở Milan, các công thần nổi loạn chống Fonseca

Milan: Các công thần nổi loạn chống Fonseca - Ảnh 1.

Milan đang khởi đầu mùa giải tệ nhất kể từ khi Serie A tính 3 điểm mỗi trận thắng, nhưng điều nguy hiểm hơn là tân HLV Paulo Fonseca có vẻ không kiểm soát được các công thần.

Sau 3 vòng đấu, Milan hầu như không thi đấu, trong khi mối quan hệ giữa Fonseca và phòng thay đồ không khác gì thùng thuốc súng.

Milan khởi đầu thảm họa

Lần thứ 2 trong kỷ nguyên Serie A tính 3 điểm cho mỗi trận thắng, Milan trải qua 3 vòng đầu tiên mà không biết mùi chiến thắng. Lần gần nhất điều tương tự xảy ra là mùa 1997-98, khi cựu Chủ tịch Silvio Berlusconi đưa Fabio Capello trở lại, nhưng CLB mắc sai lầm về mặt chuyển nhượng. Khi ấy, việc đội trưởng Franco Baresi và đội phó Mauro Tassotti đồng loạt treo giày đã tạo khoảng trống lớn trong phòng thay đồ, trong khi các “bom tấn” Patrick Kluivert, Ibrahim Ba và Christian Ziege thực sự là thảm họa.

Trước khi bước vào kỳ nghỉ FIFA, Milan có trận hòa 2-2 với Lazio trên sân Olimpico. Nếu chỉ nhìn vào mặt kết quả, 1 điểm khi rời thủ đô Rome không đáng bị chê bai như cách Milan hòa Torino 2-2 trong ngày khai mạc ngay trên sân nhà San Siro, hay trận thua bạc nhược Parma 1-2. Mặc dù vậy, trận hòa Lazio cho thấy con đường trở lại bình thường còn rất dài và quanh co. Thậm chí có khả năng không bao giờ trở lại đúng quỹ đạo như mong muốn với Fonseca.

Ở Olimpico, sau 2 trận đầu thi đấu không đúng với chất lượng cầu thủ, Fonseca trở thành ứng viên có khả năng bị sa thải cao nhất theo các hãng cá cược. Ông phản ứng trước tình thế khó khăn bằng một động thái ồn ào và đầy ngạc nhiên: Để Theo Hernandez và Rafael Leao, hai người giỏi nhất trong đội, cùng ngồi dự bị. Họ đều đá cánh trái. Leao nhận lương cao nhất đội (5 triệu euro sau thuế), còn Theo là đội phó kiêm ngoại binh có số trận đấu nhiều nhất trong đội hình hiện tại (215 trận).

Không có họ, ít nhất là trong hiệp 1, “Il Diavolo” có vẻ giống như một đội bóng hơn. Dù không hoàn hảo nhưng là một tập thể có những dấu hiệu có thể cải thiện được. Ở đó, các cầu thủ cùng chạy và chiến đấu với nhau, gây sức ép cho đối thủ một cách nhanh nhất. Điều quan trọng hơn là các cầu thủ luôn giúp đỡ lẫn nhau. Giữa sự thay đổi này, tân binh Pavlovic mang về bàn mở tỷ số cho Milan. Trung vệ người Serbia đang nỗ lực hòa nhập và chứng minh giá trị của mình với CLB mới.

Tuy nhiên, có một Milan khác trong hiệp 2. Sau giờ nghỉ, những hạn chế như trong 2 trận trước đó với Fonseca nhanh chóng bộc lộ. Đó là những sai lầm cũ và thiếu nhất quán trong phòng ngự dẫn đến những bàn thua liên tiếp. Từ đó, quả bom trong mối quan hệ giữa nhà cầm quân người Bồ Đào Nha với các công thần cũng bùng nổ.

Những vấn đề của Fonseca

Sau giờ nghỉ ở Olimpico, Milan nhận liên tiếp 2 bàn thua trong 4 phút. Cả 2 bàn thua đều theo cùng kịch bản: Nuno Tavares, người mùa trước chỉ đá hơn 400 phút Premier League cho Nottingham Forest, ra mắt Lazio bằng những pha thoát xuống như chỗ không người bên cánh trái rồi tạt ngang để đồng đội chạm bóng ghi bàn phía cột xa. Không ai thấy Emerson Royal ở đâu khi Nuno lên bóng.

Trên thực tế, đó là trận thứ 3 liên tiếp Milan nhận 2 bàn thua và cùng theo cách như vậy. Torino phát hiện ra lỗ hổng này đầu tiên để dẫn trước Milan 2-0 trong trận mở màn ngay tại San Siro (chung cuộc hòa 2-2). Sau đó, Parma tiếp tục khai thác để có chiến thắng 2-1. Trong 3 bàn thua đầu tiên, vai trò hậu vệ phải thuộc về đội trưởng Calabria. Ở 3 bàn thua sau, tân binh Emerson Royal đảm nhận vị trí này.

Calabria và Emerson không đảm bảo được vị trí khi đối phương tấn công, nhưng các bàn thua không chỉ có lỗi của họ. Ở đây là hệ thống mà Fonseca bố trí. Khi hệ thống cùng di chuyển, Milan không tìm thấy ai theo kèm cầu thủ đối phương đứng phía cột xa, từ trung vệ, đến hậu vệ trái hoặc tiền vệ. Điều này diễn ra với cả những tình huống bóng bổng (Bellanova đánh đầu khiến Thiaw phản lưới bàn thua đầu tiên trong mùa giải), hoặc các pha bóng sệt có lực đi không mạnh.

Trong trận hòa Lazio, Fonseca quyết định tung Leao và Theo vào sân ở phút 70. Chỉ sau 2 phút, Theo đẩy bóng để Abraham kiến tạo cho Leao ghi bàn gỡ hòa. Leao đã giúp Fonseca thoát khỏi rắc rối về mặt kết quả. Một thất bại sẽ mở ra những kịch bản không thể tưởng tượng được. Nhưng chính Leao và Theo, trong thời gian nghỉ uống nước ngay sau bàn thắng, chống lại Fonseca bằng cách đứng phần sân bên kia khi vị HLV chỉ đạo chiến thuật.

Ở Italy, mọi người gọi đó là “cuộc ly giáo”. “Chúng tôi vào cuộc được 2 phút, chúng tôi không cần nghỉ ngơi để làm mới bản thân. Không có gì chống lại CLB và HLV. Bây giờ chúng tôi phải tiếp tục làm việc để cùng nhau giành chiến thắng”, Theo đáp lại những chỉ trích. Cầu thủ người Pháp nhấn mạnh: “Chúng tôi chỉ ở trên sân 2 phút. Chúng tôi không cần nghỉ. Rồi người ta nói những điều không đúng sự thật. Rafa và tôi luôn ở bên đồng đội để giúp đỡ, và đó là điều quan trọng”.

Dù thế nào thì hành vi như vậy là không được chấp nhận. CLB đã can thiệp, bao gồm Ibrahimovic, và trao toàn quyền quyết định vụ việc cho Fonseca. Hai tuần nghỉ lịch FIFA là cơ hội để Fonseca tìm tiếng nói chung với các công thần và vá lỗ hổng mà ai cũng nhìn thấy trong khâu phòng ngự. Lịch thi đấu sau giai đoạn nghỉ mới thực sự đáng ngại với Fonseca: Trong một tuần, Milan gặp Venezia, Liverpool và Inter.

Exit mobile version