Site icon I9BET

Năm học mới – kiên định mục tiêu đổi mới

2024 – 2025 là một năm học đặc biệt, đánh dấu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hoàn thành chu trình đầu tiên, triển khai ở tất cả các khối lớp và cũng là năm đầu tiên học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông theo chương trình mới. 

Đây là một hành trình đầy thách thức nhưng sẽ mở ra cơ hội để nâng cao chất lượng giáo dục, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của học sinh.

Ngành Giáo dục đã xác định: Trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW thì triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một trong những việc lớn nhất, dài nhất, khó khăn nhất, thách thức nhất nhưng sẽ tạo ra những thay đổi sâu sắc nhất cho giáo dục.

Chính thức đi vào thực hiện từ năm 2020 với nhiều khó khăn, thiếu thốn, sau 4 năm triển khai, khó có thể kể hết những công việc sáng tạo, bền bỉ, âm thầm của từng địa phương, nhà trường, thầy cô giáo. Việc đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá đã được thực hiện ngày càng thực chất, hiệu quả. Kết quả học tập và rèn luyện của học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã có những chuyển biến tích cực; mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh bước đầu đã được khẳng định, tạo niềm tin trong giáo viên, học sinh, phụ huynh và xã hội.

Những kết quả đạt được trong chặng đường đã qua là tiền đề, động lực để toàn ngành Giáo dục vững bước trên hành trình phía trước. Con đường đổi mới với vô vàn chông gai, thử thách, không phải là việc có thể làm trong “ngày một, ngày hai”. Thành quả của đổi mới giáo dục – đào tạo cũng không thể đo đếm theo năm hay nhiệm kỳ mà phải trải qua hàng chục năm với việc kiên trì thực hiện và kiên định mục tiêu. Với việc đổi mới giáo dục phổ thông, chương trình cơ bản đã xây xong, giờ là lúc cần hướng đến chiều sâu chất lượng.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn từng chia sẻ: Trước mắt chúng ta còn nhiều vướng mắc, còn nhiều việc chưa hài lòng, còn nhiều việc phải làm tốt hơn, nhưng vẫn phải nhìn nhận rằng, chúng ta đã đạt được những mục tiêu rất căn bản. Những gì chưa làm được là bộ phận, là việc nhỏ hơn những việc đã làm được. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là quyết tâm chính trị của Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ, của đất nước, do đó quá trình thực hiện chỉ nhìn về phía trước và chỉ được phép thành công. Ba vấn đề cốt lõi khi tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 là nhận thức, thể chế và nguồn lực. Nguồn lực ở đây bao gồm tài chính đầu tư cho giáo dục và con người.

Chúng ta đang ở trong thời đại công nghiệp 4.0, mọi khoảng cách được thu hẹp, mọi biên giới trong khoa học và công nghệ được phá bỏ. Chỉ với một cú click chuột, cả kho tàng tri thức đồ sộ của nhân loại đã hiện ra trước mắt. Sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) cũng khiến tương lai giáo dục của các quốc gia trên thế giới phải định hình lại. Những kỹ năng mới hình thành do yêu cầu của xã hội và những xu thế mới làm cho giáo dục phải có tầm nhìn mới, khác biệt căn bản với nền giáo dục trước đây. 

Người thầy không còn là người cung cấp, truyền đạt thông tin tri thức mà là người hướng dẫn để giúp học sinh có thể tự học, tự khám phá, tự kiến tạo tri thức. Giáo viên là người dạy học sinh cách học, cách nghĩ, giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực vận dụng tri thức vào giải quyết những vấn đề của thực tiễn. Bởi thế, bản thân mỗi thầy, cô giáo phải vượt qua được những giới hạn của chính mình, đổi mới sáng tạo, tích lũy kiến thức và kỹ năng tiến bộ hơn mới có thể thành công trong quá trình dạy học.

Nhìn rộng ra trong toàn ngành, toàn xã hội, để công cuộc đổi mới thành công, các cấp, ngành, địa phương, nhà trường cần có nhận thức đúng, đồng đều, sẵn sàng tâm thế cho sự đồng lòng thay đổi. Cùng với đó, các yếu tố như cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phải được đầu tư xứng tầm, hiệu quả. Trong 10 năm qua, ngân sách chi cho giáo dục và đào tạo chỉ ở mức 15-19%, chưa năm nào đạt mức tối thiểu là 20% như mục tiêu đã đề ra. Mức đầu tư này chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, phát triển giáo dục, đào tạo. Việc phân bổ ngân sách còn bất cập. Ngân sách địa phương phân bổ cho hoạt động giáo dục chủ yếu chi cho lương, thậm chí một số địa phương không bảo đảm cơ cấu chi cho giáo dục.

Do đó, việc Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 91 – KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo có ý nghĩa sâu sắc, vừa đánh giá tình hình, vừa nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, cần tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, sớm hiện thực hóa việc bảo đảm ngân sách chi cho giáo dục tối thiểu 20% tổng chi ngân sách Nhà nước như Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đề ra.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu phát triển, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo định mức quy định. Đồng thời, nghiên cứu cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên giữa các địa phương để giải quyết căn bản tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và nâng cao chất lượng giáo dục cho các vùng khó khăn.

Một năm học mới bắt đầu. Hành trang đến trường của mỗi học sinh mang theo hoài bão, ước mơ của các em cùng tình yêu thương, niềm tin, kỳ vọng, sự đồng hành của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Chắc chắn, thế hệ trẻ Việt Nam sẽ đủ tri thức, bản lĩnh, linh hoạt trong suy nghĩ, hành động để vững bước vào tương lai.

Exit mobile version