Site icon I9BET

“Mack the Knife”, ca khúc bước ra từ nhạc kịch

"Mack the Knife", ca khúc bước ra từ nhạc kịch - Ảnh 1.

Hầu hết mọi người, vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời, đã nghe Mack the Knife – ca khúc từng được vô vàn nghệ sĩ hát lại qua nhiều thế hệ, bao gồm Louis Armstrong (1901 – 1971), Bobby Darin (1936 – 1973), Frank Sinatra (1915 – 1998) hay Roger Daltrey…

Tuy nhiên, có lẽ ít người biết rằng nguồn gốc của Mack the Knife còn xa hơn thế nhiều – từ thế kỷ 18 và lấy cảm hứng từ một nhân vật có thật.

Từ vở nhạc kịch…

Khởi nguồn của ca khúc Mack the Knife là từ vở The Beggar’s Opera năm 1727 của John Gay. Về cơ bản đây là vở nhạc kịch jukebox đầu tiên: nó lấy giai điệu của những ca khúc dân gian đương đại, thay đổi lời và dẫn dắt thành câu chuyện.

Vở kịch kể về một tên cướp đường lấy của người giàu chia cho người nghèo hồi thế kỷ 18, có biệt danh là Đội trưởng Macheath. Nhân vật này dựa trên một nguyên mẫu ngoài đời thực là Jack Sheppard (1702 – 1724).

Trong kịch, Macheath có mối tình lãng mạn với chính con gái của một người bắt cướp, Peachum. Bản thân Peachum cũng dựa theo nguyên mẫu có thật là thám tử bắt cướp xuất sắc Jonathan Wild (1688 – 1725) – là người đối đầu với Sheppard trong cuộc rượt đuổi dài hơi. Peachum kiểm soát mọi tội phạm ở London với tư cách là người thực thi pháp luật chính, có quyền quyết định sự sống và cái chết đối với những tên tội phạm.

Hẳn nhiên, ông phản đối cuộc hôn nhân giữa Macheath và con gái mình và quyết định treo cổ hắn. Sau đó là câu chuyện hài hước về những cuộc chạm trán của Macheath với gái mại dâm, trốn thoát khỏi nhà tù, cho đến cuối cùng Macheath cũng bị đưa đến giá treo cổ. Tuy nhiên, thay vì bị treo cổ như ngoài đời thực, nhà viết kịch lại bước lên sân khấu và tuyên bố ân xá Macheath vào phút cuối, cứu tên cướp đường anh hùng khỏi giá treo cổ.

The Beggar’s Opera được diễn lần đầu vào tháng 1/1728 và diễn liền 62 đêm, là lần trình diễn dài thứ 2 trong lịch sử sân khấu vào thời điểm đó. Vở kịch được ưa chuộng trong một thời gian dài. Tới năm 1920, nó đã được diễn gần 1.500 đêm, được coi là “vở kịch nổi tiếng nhất thế kỷ 18”.

Ngoài ra, vở kịch đã góp phần củng cố hình ảnh những tên cướp đường anh hùng trong nhận thức của công chúng, sau nhiều câu chuyện về những tên cướp cao thượng và hào phóng trong Lịch sử cướp đường của Alexander Smith (1714) và Lịch sử cướp đường của Charles Johnson (1734). Chưa hết, qua vở kịch, Gay muốn lên án xã hội nhiễu nhương, vàng thau lẫn lộn, nơi giới quý tộc là những tên cướp thật còn kẻ ngoài xã hội như Macheath chính là Robin Hood của thời cuộc.

Tuy nhiên, ca khúc Mack the Knife không xuất hiện trong vở kịch của John Gay mà trong vở ThreePenny Opera của kịch gia vĩ đại người Đức Bertolt Brecht. Trong khi ở vở kịch của Gay, Macheath là một chàng trai vui vẻ và khá tốt bụng, người không muốn sử dụng bạo lực. Brecht lại cho khán giả thấy khía cạnh đen tối hơn trong tính cách của Macheath, ở đây gọi là “Mack the Knife” (Mack con dao).

Mặc dù vẫn là người hùng của vở kịch, Mack the Knife không hề cao quý và lịch thiệp như Macheath của Gay. Lần này, Mack the Knife kết hôn với Polly Peachum, khiến cha cô là Peachum – một trùm tội phạm ở thế giới ngầm – vô cùng tức giận. Cùng với Cảnh sát trưởng, Peachum thuyết phục cảnh sát thu thập đủ bằng chứng để treo cổ Mack.

Cuối cùng, Mack bị bắt và đưa đến giá treo cổ. Nhưng vào phút cuối, Nữ hoàng đã ân xá cho hắn. Không chỉ được thả, hắn còn được phong làm Nam tước.

Thông qua thay đổi này, Brecht đã đưa ra lời chỉ trích về nạn tham nhũng đang lan tràn ở các thành phố tư bản hiện đại, nơi mà những tên trộm không khác gì giới tinh hoa. Đây là lập luận tương tự với lập luận của Gay gần 2 thế kỷ trước.

Các ca sĩ thể hiện Mack the Knife đã chỉnh sửa ca từ cho nhẹ nhàng hơn so với bản của Brecht, mang tới hình ảnh thân thiện hơn nhưng không làm mất đi tư tưởng cốt lõi.

Phiên bản của Bobby Darin

Sau vở kịch đình đám của Bertolt Brecht, Mack the Knife nhanh chóng trở thành ca khúc thịnh hành, được hát và dịch sang nhiều ngôn ngữ. Nhưng nó chỉ thật sự trở thành tiêu chuẩn phổ biến sau khi được Louis Armstrong thu âm năm 1955, từ bản dịch ca từ của Marc Blitzstein, theo phong cách jazz.

Tuy nhiên, phiên bản phổ biến nhất của ca khúc thuộc về Bobby Darin, ghi âm năm 1959. Bản thu này đạt No.1 cả ở Anh và Mỹ, mang về cho Darin 2 giải Grammy. Thú vị, phiên bản này ra đời rất ngẫu nhiên!

Trước khi ghi âm Mack the Knife, Darin còn là một cái tên khá mới mẻ. Ông mới chính thức bước vào làng nhạc năm 1956. Tuy nhiên, nhờ ca khúc tự sáng tác Splish Splash, ông đã khẳng định được danh tiếng như là một ca sĩ “rock and roll” có tài.

Ngay sau đó, những ca khúc tự sáng tác khác như Queen of The Hop, Early in the Morning và Dream Lover đã giúp ông chinh phục được đông đảo khán giả trẻ. Ít ai có thể phản đối chuyện Darin có gu âm nhạc toàn diện và hơn thế, có khả năng ở nhiều thể loại, không chỉ với tư cách ca sĩ mà còn nhạc sĩ.

Có một lần, Darin nghe tình cờ nghe được Louis Amstrong hát Mack the Knife. Ca khúc lập tức khiến Darin mê mẩn, luẩn quẩn mãi trong đầu tới mức ông thấy phải làm gì đó.

Khi làm album tiếp theo, Darin nói với với Ahmet Ertegun – người sáng lập Atlantic Records – rằng ông muốn làm một album các ca khúc kinh điển, trong đó có Mack the Knife. Ertegun nghĩ Darin bị điên vì “Cậu là một nghệ sĩ nhạc rock and roll thành công”. Không riêng Ahmet, nhiều người có uy tín khác trong giới cũng nghĩ vậy.

Nhưng một người tham vọng và đa tài như Darin không chịu rút lui. Ông khao khát đặt dấu ấn riêng của mình lên những ca khúc kinh điển mà vẫn trân trọng những cách diễn giải cũ. Như trong trường hợp Mack the Knife, đó là những cây đa cây đề như Al Jolson, Bing Crosby và Frank Sinatra, bên cạnh Louis Amstrong.

Cùng lúc này, Harriet “Hesh” Wasser là một chuyên gia quan hệ công chúng thành công. Bà đã phát hiện và tin tưởng Darin từ thời ông đang chật vật tìm chỗ đứng. Khi ông quyết định thay đổi phong cách, Wasser đã tới và góp phần rất lớn trong Mack the Knife.

Wasser đã liên hệ với nhạc trưởng/nhà hòa âm Richard Wess và thuyết phục Wess hợp tác với Darin. Khi gặp Wess, Darin đã hát chay Mack the Knife và bày tỏ mong muốn về phiên bản của mình. Wess đã đưa ra bản phối đặc biệt đến mức Darin vô cùng phấn khích. Cùng nhau, bộ ba Wasser, Wess và Darin đã hái được sao trên trời!

 Vào ngày 19/12/1958, Bobby Darin bước vào phòng thu để thu âm một số ca khúc cho album Bobby Darin: That’s All của mình, một trong số đó là Mack the Knife. Ahmet Ertegun nhớ rằng, ngay sau khi Mack the Knife được thu, mọi người đều biết nó sẽ là No.1. Họ cũng công nhận rằng Darin sẽ có hit pop lớn sau khi thành công với dòng rock.

“Chúng tôi biết khi đang thu âm ca khúc rằng ông ấy sẽ trở thành một ngôi sao lớn, rất lớn. Chúng tôi nhảy cẫng lên, và sau lần thu đầu tiên, tôi nói: “Cậu đã làm được rồi! Chính nó đây rồi” – Ertegun kể.

Ban đầu là một ca khúc buồn trong Threepenny Opera, Mack the Knife sau đó đã phát triển thành những bản thu âm nổi tiếng của Ella Fitzgerald và Louis Armstrong. Tuy nhiên, chính phiên bản swing của Bobby Darin mới đưa nó đến từng ngõ ngách. Mack the Knife thật sự thuộc về Bobby Darin!

Ca khúc đã trụ vững ở No.1 Billboard Hot 100 trong 9 tuần, thắng giải Grammy cho Bản thu của năm vào năm 1959 và giúp Darin trở thành người đầu tiên nhận giải Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất của Grammy. Nó cũng giúp Ella Fitzgerald nhận được giải Grammy với phiên bản năm 1960 của bà.

Hiện, Mack the Knife đang chễm chệ đứng No.4 trên danh sách “Những ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại” của Billboard Hot 100. Mới nhất, nhạc và ca từ gốc tiếng Đức của ca khúc đã được Mỹ đưa vào phạm vi công cộng – chỉ các kiến thức và sản phẩm sáng tạo mà không một cá nhân hay chủ thể pháp luật nào có thể thiết lập hay nắm quyền sở hữu. Như thế, Mack the Knife được coi như là một phần của văn hóa và di sản tri thức chung của nhân loại, mà bất cứ ai cũng có thể sử dụng và thu lợi.

Bobby Darin sinh năm 1936 tại New York, Mỹ. Ông là ca sĩ – nhạc sĩ đa tài khi có thể làm chủ được nhạc jazz, pop, rock and roll, dân gian, swing và đồng quê. Không chỉ thành công trong âm nhạc, Darin còn giành 1 giải Quả cầu vàng cho phim đầu tay, Come September, đóng cùng người vợ đầu là nữ diễn viên Sandra Dee.

Đa tài nhưng yểu mệnh, Darin qua đời khi chỉ mới 37 tuổi vì bệnh tim. Dù chỉ có 17 năm sự nghiệp ngắn ngủi, Darin đã để lại những thành tựu đáng kinh ngạc với 27 album phòng thu, 4 album live, 70 đĩa đơn cùng nhiều sản phẩm khác.

Ông được ghi danh vào Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll, Đại sảnh Danh vọng Nhạc sĩ. Ngoài 2 giải Grammy nhờ Mack the Knife, Darin còn được trao giải Grammy cho Thành tựu trọn đời. Không chỉ đạt Quả cầu vàng, Darin còn nhận đề cử Oscar. Ông có 10 hit lọt top 10 và là nhà sản xuất thu âm thành công.

Tài năng đa dạng của Darin đã đến và chinh phục thế giới bằng tầm nhìn và sự trung thực. Những phẩm chất quan trọng đó không bao giờ phai nhạt, chúng sẽ vượt qua thử thách của thời gian.

Exit mobile version