Site icon I9BET

“Kinh tế di sản” trong xây dựng “Công nghiệp văn hóa” (kỳ 2): Hài hòa lợi ích, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ

"Kinh tế di sản" trong xây dựng "Công nghiệp văn hóa" (kỳ 2): Hài hòa lợi ích, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ - Ảnh 1.

Kinh tế di sản là ngành kinh tế có nhiều tính đặc thù. Vì vậy cần coi trọng tính đặc thù tác động đến thực tiễn

Cũng cần nhắc lại, giá trị kinh tế của di sản có 2 loại hình giá trị phổ biến là giá trị sử dụng và giá trị phi sử dụng. Giá trị sử dụng bao gồm ba nhánh nhỏ là giá trị sử dụng trực tiếp, gián tiếp và giá trị lựa chọn. Giá trị phi sử dụng bao gồm giá trị để lại và giá trị tồn tại.

Từ “giá trị sử dụng” đến “giá trị phi sử dụng”

Theo TS Nguyễn Công Thành trong bài Ước lượng giá trị kinh tế di sản trong tiến trình phát triển, “giá trị sử dụng là lợi ích (độ thỏa dụng) thu được từ hành động hưởng thụ các giá trị di sản (thẩm mỹ, biểu tượng, lịch sử,…). Giá trị sử dụng có thể là giá trị sử dụng trực tiếp (ví dụ như đi du lịch giải trí tại di sản văn hóa; học tập và nghiên cứu tại di sản; lựa chọn sinh sống gần di sản), hoặc giá trị sử dụng gián tiếp (như kinh doanh phục vụ khách du lịch đến khu vực di sản; sản xuất các sản phẩm mang hình ảnh đặc trưng của di sản). Giá trị lựa chọn cũng được xem là giá trị sử dụng, phản ánh nhu cầu của những người mong muốn bảo tồn di sản nhằm phục vụ hành động hưởng thụ các giá trị sử dụng trực tiếp và gián tiếp của những người đó trong tương lai”.

Cũng theo ông “Giá trị phi sử dụng phản ánh nhu cầu của những người mặc dù không hề có hành động hưởng thụ các giá trị của di sản ở hiện tại cũng như trong tương lai, nhưng vẫn mong muốn bảo tồn di sản văn hóa. Giá trị phi sử dụng bao gồm giá trị để lại và giá trị tồn tại. Giá trị để lại (lưu truyền) phản ánh sự hài lòng khi biết rằng các thế hệ tương lai có thể hưởng thụ các giá trị của di sản văn hóa. Giá trị tồn tại liên quan đến sự hài lòng khi biết rằng di sản tiếp tục tồn tại nhằm đảm bảo giá trị của toàn bộ hệ thống lịch sử và văn hóa”.

Trong thực tiễn, giá trị phi sử dụng nhiều khi đem lại lợi ích kinh tế lớn hơn gấp nhiều lần so với giá trị sử dụng. Chẳng hạn, một chiếc túi thổ cẩm của người Mông ở Sapa chỉ có giá trị sử dụng từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng nhưng khi người Mông thêu tay ở một làng nghề cụ thể thì giá trị đã nâng lên gấp đôi từ 50.000 tới vài trăm ngàn đồng.

Tương tự như vậy, các mặt hàng OCOP (thuộc chương trình quốc gia One Commune One Product – Mỗi xã một sản phẩm) có thêm giá trị văn hóa (tính biểu tượng, tính thẩm mỹ, giá trị lịch sử, kết tinh tri thức dân gian…) có thể tăng lên vài chục lần so với giá trị sử dụng. Vì vậy, trong kinh tế di sản, phải coi trọng cả giá trị sử dụng và giá trị phi sử dụng.

Bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ trong kinh tế di sản

Các di sản đều là thành tựu, giá trị của một cộng đồng, một địa phương, một quốc gia hoặc của toàn nhân loại. Giá trị đó lại được kết tinh qua nhiều đời, nhiều thế hệ. Tính lịch sử càng cao thì di sản càng có giá trị.

Một câu hỏi đặt ra: Làm sao để giải quyết hài hòa quyền lợi giữa dòng họ hay cộng đồng khi di sản được nhà nước đầu tư, bảo tồn, phục chế? (Đơn cử như trường hợp một số di tích của dòng họ Vương ở Hà Giang, dòng họ Hoàng ở Lào Cai…).

Hiện nay, các hội Xuân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang diễn ra khắp nơi, chính quyền địa phương có hỗ trợ một phần kinh phí để quảng bá, thu hút khách du lịch nhưng các lễ hội đều có băng rôn, sân khấu ghi rõ “Ủy ban Nhân dân xã X, xã Y – Lễ hội xuống đồng, Lễ hội Gầu Tào,…”. Nhiều trường hợp ở các vùng du lịch, di sản thuộc cộng đồng địa phương nhưng doanh nghiệp đầu tư một số sản phẩm và bán vé còn người dân chỉ hưởng lợi rất ít.

Điển hình như làng du lịch Cát Cát của người Mông (Sapa), mỗi năm doanh nghiệp thu nhiều tỷ đồng nhưng chỉ chi cho người dân trong làng một vài trăm triệu. Cảnh quan thôn bản Mông, nghề thủ công của người Mông, sinh hoạt văn hóa của người Mông trong thôn. Họ là chủ nhân của điểm du lịch nhưng lại trở thành người làm thuê chịu sự chi phối của doanh nghiệp.

Hiện tượng này càng phổ biến ở các mặt hàng OCOP. Mỗi mặt hàng trở thành hàng hóa trao đổi trên thị trường đều kết tinh tinh hoa của cả cộng đồng, của dân tộc, gọi là vốn văn hóa nhưng khi doanh nghiệp làm thương hiệu và sản xuất bán hàng loạt trên thị trường thì quyền sở hữu di sản của cộng đồng sẽ bị tác động ra sao?

Phát triển bền vững của kinh tế di sản

Kinh tế di sản phải xác định phát triển bền vững là định hướng lâu dài, xuyên suốt. Kinh tế di sản phát triển bền vững cần phải dựa theo 4 trụ cột: Văn hóa, môi trường, xã hội, kinh tế.

Trước hết là việc bảo tồn di sản văn hóa: Phải xác định bảo tồn di sản là nguyên tắc hàng đầu, không hy sinh di sản để phát triển kinh tế bằng mọi giá, trong đó phải chú trọng “tích hợp một cách cẩn thận kinh tế vào văn hóa địa phương chứ không phải tích hợp văn hóa vào kinh tế” (theo Đặng Thị Phương Anh – Bùi Thị Thu Vân trong cuốn Phát triển du lịch bền vững). Đặc biệt chú ý đến vòng đời, “tuổi thọ” của điểm và khu du lịch, chống sự quá tải trong việc đón khách.

Tiếp đó là việc bảo vệ môi trường: Cần xây dựng một chiến lược sử dụng tốt nhất các tài nguyên môi trường, xác định môi trường tự nhiên và cảnh quan sinh thái là điều kiện tiên quyết trong phát triển kinh tế di sản tương lai.

Về xã hội, cần giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa lợi ích của các bên tham gia hoạt động kinh tế di sản, trong đó phải đề cao vai trò chủ nhân của cộng đồng địa phương trong hưởng lợi kinh tế di sản. Mặt khác, kinh tế di sản bền vững cũng phải chú ý vấn đề giới, vấn đề tỷ lệ thất nghiệp theo mùa,xóa bỏ các tệ nạn chèo kéo khách.

Về kinh tế: Bảo đảm sự hoạt động kinh tế di sản tồn tại lâu dài, trong đó không khuyến khích toàn bộ người dân chuyển sang làm kinh tế du lịch, mà cần định hướng cộng đồng cư dân địa phương vừa thực hành kinh tế truyền thống vừa tham gia kinh doanh du lịch. Lợi nhuận của kinh tế di sản cần phải được phân bổ một cách công bằng, ổn định, đóng góp cho việc xóa đói giảm nghèo ở địa phương, cân bằng giữa sự phát triển kinh tế truyền thống và phát triển du lịch.

Trong các giải pháp phát triển kinh tế di sản, thì điều trước tiên là ban hành các thể chế, hoạch định chính sách quản lý. Trước mắt, cần bổ sung và sửa đổi Luật Di sản văn hóa, Luật Du lịch, trong đó bổ sung các điều, khoản về vai trò của cộng đồng với bảo tồn di sản, vai trò và quyền lợi của cộng đồng trong phát triển kinh tế di sản. Nêu rõ các điều, khoản về sự hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch, đặc biệt chú trọng vấn đề quyền sở hữu của di sản… Tiếp đó là xây dựng chính sách linh hoạt, hiệu quả về trùng tu, tôn tạo di tích, về bảo tồn di sản: Chủ động phân cấp quản lý di tích cho chính quyền và cộng đồng cư dân địa phương phù hợp với thực tiễn. Mặt khác, xây dựng chính sách về xã hội hóa và trùng tu tôn tạo di tích, trong đó quy định về quyền lợi và trách nhiệm của người đóng góp vốn trùng tu tôn tạo, quyền lợi và trách nhiệm của chính quyền địa phương quản lý di tích.

Một điều quan trọng là cần xây dựng Quỹ trùng tu tôn tạo di sản, trong đó quy định rõ nguồn thu từ kinh tế di sản đóng góp, các nguồn thu do doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ cho Quỹ trùng tu tôn tạo di sản. Xây dựng các quy định về quản lý quỹ mang tính chất minh bạch, công khai, khoa học và hiệu quả.

Cuối cùng, cần tăng cường nghiên cứu kinh tế di sản và quy hoạch kinh tế di sản. Kinh tế di sản là một ngành kinh tế mới. Kinh tế di sản sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế. Kinh tế di sản cũng là động lực quan trọng để xây dựng và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc. Vì vậy, cần phải chú trọng nghiên cứu khoa học về kinh tế di sản. Trước hết là cần nhận diện các loại hình kinh tế trong ngành kinh tế di sản. Từ đó, phân tích đặc trưng, đặc điểm cũng như giá trị của kinh tế di sản, xử lý các mâu thuẫn phát sinh khi phát triển kinh tế di sản ở cơ sở. Mặt khác, cũng cần phải tiến hành quy hoạch các loại hình trong ngành kinh tế di sản. Xây dựng cơ chế chính sách nhằm khuyến khích, phát triển kinh tế di sản theo ba nguyên tắc: dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa.

Bất cứ một sản phẩm của kinh tế di sản nào cũng đều có sự đóng góp công sức, phối hợp quản lý và sản xuất.

Chẳng hạn, sản phẩm du lịch “ruộng bậc thang” của Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái muốn trở thành hàng hóa có nhiều du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng thì phải có sự kết hợp quản lý, định hướng, quy hoạch của chính quyền địa phương. Đồng thời, quy trình canh tác ruộng bậc thang có kết tinh tri thức dân gian của cộng đồng người Mông được trao truyền qua nhiều thế hệ. Mặt khác, có sự tham gia của các doanh nghiệp đưa khách đến Mù Cang Chải tham quan. Đồng thời, cũng có sự tư vấn, nghiên cứu của các nhà khoa học nhằm làm giàu giá trị của sản phẩm. Ngoài ra, sản phẩm “ruộng bậc thang” còn được quảng bá của hệ thống thông tin đại chúng, mạng xã hội…

Như thế, một sản phẩm OCOP của bất cứ xã nào mang tính truyền thống cũng đều có sự tham gia của nhiều bên. Vì vậy, cần xây dựng mối quan hệ hài hòa lợi ích trong phát triển kinh tế di sản.

(Còn tiếp) 

Exit mobile version