Site icon I9BET

Đan xen xưa & nay trong thư pháp chữ Quốc ngữ

Đan xen xưa & nay trong thư pháp chữ Quốc ngữ - Ảnh 1.

Triển lãm Nghiên bút còn thơm

Phong trào viết thư pháp, trong đó có thư pháp bằng chữ Quốc ngữ, đang nở rộ, theo ghi nhận của nhà thư pháp Lưu Thanh Hải (TP.HCM). Tuy nhiên, đó mới chỉ là sự nở rộ về số lượng, còn chất lượng thì cũng có nhiều điều đáng bàn.

Sự non trẻ của dòng thư pháp chữ Quốc ngữ

Cũng theo ông Hải, thư pháp chữ Quốc ngữ xuất hiện cách đây khoảng hơn 30 năm. Chính vì tuổi đời còn non trẻ như vậy, hình thức thư pháp này chưa tạo được những quy chuẩn về thể chữ như lệ thư, khải thư, thảo thư… giống như trong thư pháp chữ Hán – Nôm.

Tương tự, nhà thư pháp Xuân Như (giám tuyển triển lãm Nghiên bút còn thơm) đưa ra quan điểm, với lịch sử khoảng 300 năm hình thành, phát triển và hoàn thiện như ngày nay, việc viết chữ Quốc ngữ vẫn dựa trên nền tảng của chữ gốc Latin. Cách viết nét chữ cũng không nằm ngoài quy tắc viết các kí tự, các chữ cái Latin. Nếu việc viết chữ chỉ dừng lại ở đó, thì không có gì đáng nói khi mọi thứ vẫn tuân thủ theo cách mà phương Tây đã làm. Song, chữ Quốc ngữ cũng có cái gọi là nghệ thuật hay cách viết chữ đẹp, tương tự như khái niệm calligraphy (tạm hiểu là nghệ thuật viết chữ đẹp), hiện lưu hành ở phương Tây. Nhưng để chữ viết có tính nghệ thuật hơn, nghệ sỹ phải lồng ghép vào đó những ý tưởng và cách thức thể hiện khác nhau. Nhờ đó mới có thể thành tranh, nghệ thuật sắp đặt.

Lâu nay, trong hình dung của không ít người, việc dùng bút lông viết chữ Quốc ngữ chỉ là có chút cách điệu nét viết nhỏ to, đậm nhạt. Mỗi người viết theo một bố cục rất tùy hứng, đôi khi cố tạo hình bằng cách vẽ thêm hình thù nào đó. Có vẻ, người viết muốn tạo cảm giác như làm theo thư pháp Hán – Nôm, hay bắt chước kiểu thư họa kinh điển. Nhưng lại không theo một tiêu chí nào, mà viết cũng chưa tới độ. Những thứ thuộc nội hàm của nghệ thuật thư pháp vẫn còn rất xa vời với thư pháp chữ Quốc ngữ.

Còn thư pháp gia Phạm Đình Ngọc (chủ nhiệm CLB Thư pháp UNESCO) thì mong muốn, thư pháp chữ Quốc ngữ có nhiều cơ hội phát triển sâu rộng hơn nữa. Bởi dòng thư pháp này sở hữu lợi thế đặc biệt hơn so với thư pháp chữ Hán – Nôm. Đó là không chỉ gần gũi, chữ Quốc ngữ còn nuôi dưỡng tri thức trong mỗi chúng ta ngay từ thuở tấm bé. Nên, nếu có thể vận dụng loại chữ này vào nghệ thuật thư pháp, thông điệp của mỗi bức viết sẽ được truyền tải mạnh mẽ đến với người xem.

Mỹ cảm mới cho thư pháp chữ Quốc ngữ

Tuy nhiên, đến với triển lãm Nghiên bút còn thơm, các tác phẩm được trình hiện với diện mạo hoàn toàn khác. 70 tác phẩm chính của 15 tác giả được trưng bày là 70 sắc thái riêng biệt. Nội dung thể hiện xoay quanh thơ văn chữ Quốc ngữ của các danh nhân trong lịch sử như Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du… Cùng với đó là những sáng tác qua các thời đại về Thăng Long – Hà Nội, Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Các tác giả đã “hóa phép”, biến hình một cách sáng tạo dưới ngọn bút của mình. Các chữ viết, câu từ như được khoác lên những hình ảnh, đường nét rất mới mẻ, tân thời. Chúng như đánh thức trong mỗi người xem thứ mỹ cảm đầy hơi thở và màu sắc đương đại. Nhưng vẫn phảng phất nét bàng bạc, cổ kính, đầy hoài niệm của bút, mực, giấy dó truyền thống.

Các tác phẩm có nội dung, ý nghĩa, ý tưởng nghệ thuật rất cụ thể và có chất riêng của từng tác giả. Có những bức viết theo hơi hướng truyền thống, có những bức theo trường phái tân cổ điển, lối bán cổ điển, cũng có những bức phá cách rất hiện đại. Chúng khác hẳn với những gì thường thấy về những bức viết lâu nay ngoài kia.

Kết hợp với ánh sáng soi ngược từ bên trong ra, người xem có thể thấy rất rõ từng nét bút, từng mảng khối, sự loang nhiễm hay lắng đọng của từng đường nét ảo diệu, đầy bất ngờ. Tất cả mang đến cảm xúc hoàn toàn mới lạ với con chữ, câu từ được viết ra.

Ngoài 70 tác phẩm chính, triển lãm còn đem đến cho công chúng 41 tác phẩm nhỏ. Chúng được tuyển lựa riêng, với tinh thần chắt lọc “tinh hoa bút mực” một cách ngẫu nhiên trong suốt quá trình các tác giả sáng tác, chuẩn bị cho triển lãm.

Để tạo nên sự đột phá cho những con chữ tiếng Việt, các nhà thư pháp trước tiên đã nhận thức đúng đắn và rõ ràng về bản chất, cũng như điểm yếu của đường nét trong chữ cái, theo ông Xuân Như. Các tác giả được chỉ dẫn sâu về chuyên môn, được định hướng sáng tác, để tìm ra hướng đi phù hợp, đúng đắn cho con đường nghệ thuật của mình. Từ đó, các tác giả đã và đang tìm ra những biện pháp khắc phục, hoàn thiện và dần nâng việc viết chữ lên một tầm cao mới; thay vì đánh tráo khái niệm, biến bức viết thành như bức vẽ và bảo đó là nghệ thuật.

Các tác phẩm được sắp đặt vòng xung quanh không gian trưng bày, từ trên cao, chạy xuống mặt đất… Đồng thời, ông Xuân Như cho biết thêm, các dải băng giấy với tổng chiều dài 200m được trưng bày dưới dạng lượn sóng. Nó giúp tạo hiệu ứng hoành tráng cho không gian trưng bày. Đồng thời, có tác dụng làm mềm cho không gian này. Điều này mang hàm ý rằng, nghệ thuật phải được buông, được thả, được tự do sáng tác như con sóng tùy thích uốn lượn. Từng đợt sóng sau tiếp đợt sóng trước, cũng giống như từng thế hệ sau nối tiếp thế hệ đi trước trên con đường tìm tòi, thúc đẩy nghệ thuật thư pháp chữ Quốc ngữ.

Có thể nói, đây là triển lãm đầu tiên được Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) phối hợp với giám tuyển, các thư pháp gia tổ chức một cách bài bản, chuyên nghiệp, chính thức, chính danh. Đây đúng nghĩa là một triển lãm nghệ thuật hiện đại dành cho thư pháp chữ Quốc ngữ. Điều mà lâu nay không nhiều, hoặc thậm chí chưa có triển lãm thư pháp chữ Quốc ngữ nào làm được, ông Xuân Như chia sẻ.

Triển lãm được tổ chức với mong muốn tạo ra tiền đề, nền tảng giao lưu và hợp tác giữa các tác giả thư pháp chữ Quốc ngữ hiện đại từ khắp mọi miền đất nước, nhất là hướng tới những cây bút trẻ. Với định hướng sáng tác mới, tư duy nghệ thuật theo hướng mới, tân cổ điển – bán hiện đại, Nghiên bút còn thơm được định hình để làm tiền đề và chuẩn mực hơn từ nay về sau cho các triển lãm thư pháp chữ Quốc ngữ kế tiếp.

Exit mobile version